Ông Mã Đức Thạch, dân tộc Tày, thôn Làng Hản tự hào ngôi nhà sàn của gia đình là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Cầm quyển lịch sử Đảng bộ xã Kim Quan lật từng trang, đồng chí Mã Ngọc Tương, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biết, trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, từ cuối năm 1953 đến tháng 8/1954, Bác Hồ đã ở và làm việc tại Kim Quan. Tại đây, Bác đã chủ trì nhiều phiên họp của Bộ Chính trị và Hội đồng Chính phủ, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Bác lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân giành thắng lợi trong chiến dịch Đông xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn. Ngày nay, Kim Quan có nhiều điểm di tích cách mạng lớn, nhỏ, mảnh đất an toàn khu quan trọng trong vùng. Xã Kim Quan được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Bên căn nhà cột gỗ, lợp lá cọ truyền thống của dân tộc Tày, ông Mã Đức Thạch, 87 tuổi, thôn Làng Hản nhớ lại những năm tháng gian khổ và anh dũng. Trước khi Bác Hồ về Kim Quan, năm 1947 Bộ Ngoại giao tiền trạm tới đóng tại ngôi nhà ông đang ở và giờ trở thành di tích lịch sử cấp tỉnh. Ngoài bàn thờ thần linh, tổ tiên, ông Thạch bàn với vợ may một lá cờ đỏ sao vàng to, bên dưới để ảnh Bác Hồ ở một nơi trang trọng. Những chiếc bằng khen, giấy khen của gia đình ông tập hợp để dưới ảnh Bác Hồ như để báo công. Truyền thống cách mạng của gia đình từ đó mà lan tỏa đến các con, cháu, chắt. Ông bảo, có được cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc như hôm nay là nhờ ơn của cách mạng nhiều lắm.
Kim Quan vùng đất nổi tiếng xưa nên nhiều xã gộp vào gọi là Tổng Kim Quan. Có cả xã Kim Quan Hạ, Kim Quan Thượng. Vùng đất trải dài ra cả Công Đa, Trung Sơn hiện nay. Sau bao lần thay đổi, xã Kim Quan giờ có 7 thôn, 841 hộ, trên 3.500 nhân khẩu, trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số Tày, Dao, Nùng, Mông. Năm 1953, chi bộ đảng đầu tiên ở đây được thành lập, đến năm 1965 đã vươn lên thành một Đảng bộ vững mạnh. Từ khi có Đảng lãnh đạo ở Kim Quan, cuộc sống ở đây có nhiều đổi thay. Bằng sự nỗ lực của chính quyền, nhân dân địa phương và nguồn lực hỗ trợ Nhà nước, năm 2019 xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hiện nay thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 39,2 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 67 hộ, chiếm 7,97%. Toàn xã có 98,68% số hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, 7/7 thôn đạt danh hiệu Thôn văn hóa. Giai đoạn 2020 - 2025, Kim Quan đang phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao, tiến tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Những cây cầu cứng bắc qua sông Phó Đáy ở xã ATK Kim Quan được xây dựng, tạo thuận lợi cho giao thông trong vùng.
Đồng chí Dương Đức Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Kim Quan lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, xã tập trung phát triển kinh tế rừng. Bởi toàn xã có trên 3.000 ha diện tích đất tự nhiên, thì có gần 2.000 ha là rừng, trong đó có 1.200 ha rừng sản xuất. Người dân tận dụng đồng cỏ rộng, nguồn thức ăn thô xanh sẵn có để đẩy mạnh chăn nuôi đàn trâu, bò theo hướng hàng hóa. Xã phấn đấu xây dựng thương hiệu trâu ATK Kim Quan, củng cố 3 HTX Nông lâm nghiệp Kim Quan, HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Kim Quan, HTX Sản xuất chế biến chè Kim Quan và xây dựng thương hiệu sản phẩm chè đặc sản Ngọc Thúy Kim Quan, hồng không hạt Khuôn Hẻ…
Để biến một vùng quê giàu truyền thống cách mạng thành miền đất trù phú, có kinh tế - xã hội phát triển, Đảng bộ xã xác định phải thống nhất cao ý chí và hành động. Các đảng viên phải đầu tàu gương mẫu, tạo ra các mô hình tốt, cách làm hay, có sức lan tỏa trong cộng đồng. Đảng bộ xã đề cao vai trò của chi bộ, người uy tín trong cộng đồng trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng. Đồng chí Triệu Kim Tiến, dân tộc Dao Coóc mùn, Bí thư chi bộ thôn Khuôn Điển cho rằng, chi bộ mạnh từ những đảng viên mạnh. Ở Khuôn Điển những đảng viên đều là người có uy tín cao trong cộng đồng, đồng thời gia đình có kinh tế khá giả nên có uy tín cao, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, nhất là trong các chương trình làm nhà văn hóa, đường bê tông, duy tu đường điện, kênh mương nội đồng.
Xây dựng nông thôn mới với “điện, đường, trường, trạm” khang trang hiện đại, song Kim Quan luôn chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Bên những cánh đồng lúa đang lên xanh rờn, thấp thoáng dưới chân đồi là những ngôi nhà sàn truyền thống hiện lên thập đẹp. Uốn lượn dưới chân núi, dòng sông Phó Đáy vẫn róc rách chảy. Kim Quan đang ngày càng bừng sáng trong không khí hối hả sản xuất, lao động của người dân và sự chung tay của cả hệ thống chính trị.