Kim Quan vận động người dân trồng và giữ rừng

Những năm gần đây, người dân ở xã Kim Quan (Yên Sơn) không chỉ giữ rừng phòng hộ, rừng nguyên sinh, rừng tái sinh mà còn có nhiều cách vận động nhau phát triển rừng. Người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số này đã biến cây rừng thành “phên dậu” bảo vệ sinh thái phục vụ đời sống, tạo nguồn phát ...

Khuôn Hẻ là thôn nhiều rừng nhất xã Kim Quan với diện tích hơn 300 ha, trong đó có 200 ha rừng tự nhiên. Trực tiếp mục sở thị thấy ở đây không một tấc đất trống, nối tiếp rừng phòng hộ là rừng keo, rừng lát xuống đến tận các khe suối. Trưởng thôn Khuôn Hẻ Đàm Văn Phong chia sẻ, cũng có một thời người dân chặt cây rừng lấy gỗ, rừng bị tàn phá, người dân vướng vào lao lý, đất đai cũng bởi thế mà bị xói mòn, bạc màu. Lúc đó, cán bộ xã, cán bộ kiểm lâm huyện Yên Sơn đã tuyên truyền, vận động người dân phải giữ rừng, nếu phá rừng thì sẽ mất rừng, mất nguồn lợi từ rừng, đặc biệt đồi núi trọc sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống khi mưa lũ đến.

Khi hiểu ra, người dân vận động nhau, các trưởng thôn thống nhất làm cam kết liên kết bảo vệ rừng. Theo cam kết, các thôn sẽ vận động, giám sát lẫn nhau trong giữ rừng và bảo vệ rừng đầu nguồn. Ngay cả việc lấy măng nứa trong rừng cũng có quy ước cụ thể, từ tháng 6 đến tháng 8 người dân sẽ được lấy măng, nhưng từ tháng 9 trở đi sẽ không được vào rừng lấy măng nứa nữa để măng phát triển thành cây. Anh Vi Thanh Hoàn, người dân Khuôn Hẻ bảo: “Lâu rồi, người dân không phá rừng nữa mà trồng rừng thay cho cây sắn. Vài năm nữa được khai thác, nhiều nhà sẽ có cuộc sống khấm khá”.

Đồng chí Thèn Văn Thi, Bí thư Chi bộ thôn Kim Thu Ngà, xã Kim Quan (Yên Sơn)
thăm khu rừng của người dân trong thôn.

Xã Kim Quan có diện tích tự nhiên 3.026 ha, trong đó đất nông nghiệp hơn 2.800 ha, đất phi nông nghiệp hơn 162 ha, đất chưa sử dụng hơn 57 ha. Ông Lưu Ngọc Nhiên, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Thế mạnh của xã là rừng. Rừng tái sinh có ở cả 8 thôn trong xã với gần 500 ha. Những diện tích này đã được giao cho hàng trăm hộ dân, cộng đồng dân cư quản lý, bảo vệ. Với người dân Kim Quan, rừng là tài sản chung, được toàn dân tham gia bảo vệ không để ai xâm lấn, chặt phá. Không chỉ tạo cảnh quan môi trường, những cánh rừng tự nhiên này còn điều hòa dòng chảy, cung cấp nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cho hàng nghìn hộ dân. 

Bên cạnh giữ rừng thì Kim Quan còn đẩy mạnh phát triển kinh tế từ trồng rừng sản suất. Hiện xã có trên 800 ha rừng keo, mỡ. Với diện tích này, xã thuộc vùng trọng điểm cung cấp gỗ nguyên liệu giấy của tỉnh. Nguồn thu từ rừng đã thay đổi cuộc sống của nhiều gia đình, ví như gia đình anh Lù Seo Phòng, thôn Kim Thu Ngà là hộ nghèo của xã. Cách đây 2 năm, gia đình bán được 4 ha rừng keo, thu về 150 triệu đồng. Khai thác xong, anh trồng lại trên toàn bộ diện tích đất, cây sinh trưởng và phát triển tốt. Anh Phòng phấn khởi “Nhờ có rừng mà đời sống của gia đình anh đã khá hơn nhiều, không còn cảnh nhà xiêu, mái dột”.  Anh đã xây dựng được căn nhà khang trang và tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Hiệu quả kinh tế từ rừng sản xuất đã tạo ra phong trào phủ xanh đất trống, đồi trọc ở Kim Thu Ngà. Anh Thèn Văn Thi, Bí thư Chi bộ thôn cho biết, thôn có 80 hộ dân với hai dân tộc chính là người Mông, Nùng, nhà nào cũng có từ 1-2 ha đất rừng. Trước kia, người dân chỉ trồng sắn, ngô mất nhiều công, nhưng thu cũng không được nhiều nên khá khó khăn về kinh tế. Từ 2013 đến nay, tỉnh, huyện có chính sách phát triển trồng rừng, người dân đã bỏ hẳn cây sắn, hơn 80 ha đất đồi rừng đã phủ xanh cây keo. Sau thời gian trồng, chăm sóc, người dân đi làm ở các doanh nghiệp, chạy chợ kiếm thu nhập. Đến kỳ thu hoạch, người dân sẽ có khoản tiền để xây dựng nhà cửa… 

Theo Bí thư Đảng ủy xã Lưu Ngọc Nhiên thì xã hiện có nhiều hộ có thu nhập khá nhờ rừng như gia đình anh Triệu Kim Tiến, thôn Khuôn Điển có 6 ha rừng; gia đình anh Vi Văn Thứ, thôn Khuôn Hẻ có 5 ha; anh Bàn Văn Hà, thôn Khuổi Phát có 4 ha..., bình quân trên 100 triệu đồng/năm. Để chủ động trong phát triển kinh tế rừng, cấp ủy, chính quyền xã phối hợp với Công ty TNHH Lâm nghiệp Yên Sơn, Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện giúp người dân tìm nguồn cung ứng giống, vốn; hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật trong ươm trồng, chăm sóc cây giống; tăng cường giám sát, theo dõi việc trồng và bảo vệ rừng của người dân. 

Từ giữ và phát triển kinh tế rừng, mảnh đất ATK Kim Quan đã có nhiều đổi mới, đói nghèo từng bước đẩy lùi. Trong 2 năm (2016, 2017) xã đã giảm được 123 hộ nghèo. Nhận thức được lợi ích từ kinh tế rừng nên nhiều năm qua, người dân đã đầu tư trồng rừng, hàng năm đều hoàn thành sớm và vượt kế hoạch. Từ 2016 đến nay xã trồng mới trên 321 ha, vượt 120 ha kế hoạch đến năm 2020.

Nguồn: Cổng TTĐT huyện Yên Sơn

Tin cùng chuyên mục