ATK KIM QUAN IN ĐẬM BÓNG HÌNH NGƯỜI…
Trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1953-1954), thôn Khuôn Điển, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn tỉnh Tuyên Quang vinh dự được Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ chọn làm địa điểm đóng trụ sở làm việc.Đường vào ATK Kim Quan, xã Kim Quan
Cụm di tích ATK Kim Quan, huyện Yên Sơn, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Văn phòng Trung ương Đảng và một bộ phận của Văn phòng Chính phủ đã ở và làm việc trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1953- 1954).
Cụm di tích ATK Kim Quan nằm trải dài trên khu rừng Nà Lơi thuộc thôn Khuôn Điển xã Kim Quan, cách trụ sở Ủy ban nhân dân xã Kim Quan khoảng 800m và Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào 18km về hướng bắc. Dưới chân núi Nà Lơi là dòng sông Phó Đáy chảy bao quanh, nơi đây đảm bảo an toàn bí mật cũng như thuận tiện liên lạc bằng đường bộ cũng như đường thủy.
Đầu năm 1953, tiểu đoàn công binh 333 (nay là lữ đoàn công binh 239) do đồng chí Lê Trung Ngôn phụ trách đã lên ATK Kim Quan dựng nhà cho các cơ quan trung ương. Cuối năm một bộ phận của văn phòng Trung ương Đảng Chính Phủ chuyển lên ở và làm việc tại đây. Đầu năm 1954 Bác Hồ cũng chuyển lên Kim Quan. Để đảm bảo an toàn bí mật cho Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính Phủ, bộ đội công binh đã đào 3 căn hầm bí mật vào sâu trong lòng núi Nà Lơi. Lúc bấy giờ, để đảm bảo an toàn và bí mật, toàn bộ đất khi đào hầm được đổ xuống sông Phó Đáy, hầm được ốp gỗ 3 mặt, được câu móc với nhau bằng đinh đỉa chác chắn.
Đại đội 260 - Tiểu đoàn 333. Đơn vị tiền thân Lữ đoàn 239 binh chủng công binh đã xây dựng công trình hầm kiên cố bảo đảm an toàn cho Trung ương Đảng - Chính phủ và chủ tịch Hồ Chí Minh (thời kỳ năm 1953-1954)
1, Hầm an toàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Hầm an toàn của Bác Hồ tại Kim Quan.
Hầm an toàn của Bác Hồ được đào sâu vào lòng núi Nà Lơi khoảng 15m. Cạnh hầm là lán ở và làm việc của Bác, căn lán làm theo kiểu nhà sàn của đồng bào dân tộc miền núi có hai gian nhỏ từ cầu thang xuống có một đường xuống sông và một đường đến hầm; con đường mòn xuống sông được cuốc thành nhiều bậc để lên xuống được thuận lợi xung quanh có nhiều cây cổ thụ che kín.
Tại đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì nhiều phiên họp của Bộ chính trị và Hội đồng chính phủ, quyết định những vấn đề quan trọng. Lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân dành thắng lợi trong chiến dịch Đông Xuân 1953- 1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ. Giải phóng hoàn toàn miền bắc, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân pháp xâm lược.
Nhân dịp tết nguyên đán năm Giáp Ngọ, ngày 01/02/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư chúc tết quân và dân cả nước. Người viết:
''Năm mới, quân dân ta có hai nhiệm vụ rành rành:
Đẩy mạnh kháng chiến để giành độc lập, tự do.
Cải cách ruộng đất là công việc rất to.
Dần dần là cho người cày có ruộng khỏi lo nghèo nàn.
Quân và dân nhất trí kết đoàn,
Kháng chiến kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công.
Hoà bình dân chủ thế giới khắp Nam, Bắc, Tây, Đông.
Năm mới, thắng lợi càng mới, thành công càng nhiều".
Trước ngày 13/03/1954 mở đầu bức thư gửi cho cán bộ, chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ Người viết: “Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn nhưng rất vinh quang”. Người tin tưởng các đồng chí sẽ quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng và nhân dân giao phó.
Ngày 15/3/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới toàn thể cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ. Người khen ngợi quân đội ta đã chiến thắng hai trận đầu tiên ở Điên Biên Phủ; nêu rõ ý nghĩa lịch sử của chiến dịch về cả quân sự và chính trị và nhắc nhở quân đội ta ''phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan khinh địch, giành toàn thắng cho chiến dịch này''.
Tháng 4/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhà báo Ôxtrâylia W.Bơcsét. Mô tả vị trí của Điện Biên Phủ, Chủ tịch lật ngửa chiếc mũ cát trên chiếc bàn tre, đưa mấy ngón tay vòng quanh mũ, giải thích: “Đây là rừng núi, nơi có lực lượng của chúng tôi. Rồi Người nắm tay lại, đấm vào lòng mũ và nói tiếp: Còn đây là quân Pháp. Họ không thoát khỏi chỗ này được!”
Cuối tháng 7/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhà báo kiêm đạo diễn điện ảnh Liên Xô Rôman Cácmen, câu chuyện được trao đổi bằng tiếng Nga. Thấy nhà báo tỏ vẻ ngạc nhiên trước cuộc sống giản dị, khiêm tốn của Người, Người giải thích:“Tôi đã quen cuộc sống như thế này, những năm tháng đấu tranh đã tập cho tôi quen như thế, chỉ sau năm phút tôi sẵn sàng lên đường”.
Trả lời câu hỏi của Rôman Cácmen “Chủ tịch học tiếng Nga có khó không?” Người nói:“Người chiến sĩ cách mạng cần phải biết nói tiếng nói của Lê Nin”. Khi nhà báo hỏi “Chủ tịch làm bao nhiêu tiếng trong một ngày?”. Người nói: “Chim rừng đánh thức tôi, còn tôi đi nằm khi trên trời xuất hiện những vì sao”.
Trong thời gian làm việc gần Chủ tịch Hồ Chí Minh, Rôman Cácmen đã thấy không hoàn toàn như vậy: nhiều đêm, Chủ tịch chống gậy, quần và tay áo sắn cao, đi theo ánh đuốc của đồng chí cần vệ trên con đường hẻm trong rừng. Chủ tịch đến một bản xa nào đó trong núi hoặc đi họp Hội đồng Chính phủ về muộn.
Những ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại ATK Kim Quan, Người đã chỉ đạo xây dựng hậu phương vững mạnh, ban hành luật cải cách ruộng đất, làm cho người cày có ruộng, thúc đẩy kháng chiến mau thắng lợi. Cùng với Bộ Chính trị, Trung ương Đảng trực tiếp phê duyệt kế hoạch tham gia chỉ đạo nhiều chiến dịch lớn, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, giành thắng lợi hoàn toàn.
Giữa bộn bề công việc, Bác vẫn cố gắng tìm được phút giây thư giãn, thanh thản, trong những lúc rảnh rỗi Bác thường đi câu cá, làm thơ, viết báo... Cách lán và hầm an toàn của Bác khoảng 50m là vực Nhù, đó là bến nước của sông Phó Đáy, nước chảy lặng, không xiết. Vào các buổi sáng, sau khi tập thể dục Bác thường xuống vực Nhù tắm và xách ống bương nước lên lán để rửa chân; các buổi chiều rảnh rỗi Bác lại thường ngồi trên tảng đã bên bờ vực để câu cá.
Chuyện kể sưu tầm:
1.Ở rừng ngoài việc cứ chiều chiều Bác cùng các đội viên cận vệ ra suối lấy nước, hái rau dớn, còn đi tắm và đi bơi. Một lần Bác cùng các đội viên cận vệ đã lấy đầy mỗi người một bương nước, hái rau dớn vừa đủ bữa thì gặp một vụng nước trong xanh và sâu. Phía trên là tán của 1 cây dâu da cổ thụ và cây nhội già che gần kín. Bác bảo các đội viên cận vệ cùng tắm với Bác.Thấy Bác bơi ra gần chỗ vụng đồng chí Hoàng Hữu Kháng ra hiệu cho bốn anh em bơi sải ra và vây quanh lấy chỗ Bác để đề phòng bất chắc. Thấy vậy Bác vừa bơi vừa nói “ Bác là máy bay bà già (loại máy bay cánh bằng của Pháp hay đi do thám), còn các chú là những chiếc Bê-vanh-xít (loại gọi là máy bay khu trục).
( theo: Cận vệ Bác Hồ- Truyện ký)
2.Bác có thói quen đi rừng bao giờ cũng mang theo một cái gậy. Nếu vì lý do nào đó quên gậy ở nhà thì trên đường đi cũng cố tìm cho mình một cây rừng để làm gậy chứ không bao giờ đi tay không. Hôm ấy Bác cũng tìm được cành khô, chắc ở bên suối làm gậy nhưng Bác không để chống mà để vắt khô chiếc quần đùi và chiếc áo may ô luồn vào gậy để vác lên vai. Bác bảo làm như vậy từ suối về nhà gần cây số, trời lại nắng, áo, quần mau khô, có khi về tới nhà chỉ cần phơi thêm dăm phút là có thể gấp cất vào ba lô được. Cảnh Bác vác cành cây khô trên có phơi chiếc quần đùi và áo may ô trông thật ngộ nghĩnh, không ngờ hình ảnh ấy lại tình cờ thành những thước phim tư liệu quý giá.
( theo: Cận vệ Bác Hồ- Truyện ký)
2. Hầm an toàn của Trung ương Đảng
Hầm an toàn của Trung ương Đảng thời kỳ 1953-1954, thôn Khuôn Điển
Hầm an toàn của Trung ương Đảng cách hầm an toàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khoảng 1km. Hầm được đào sâu vào lòng núi 60m. Phía trước cửa hầm, qua con ngòi nhỏ là hội trường của Trung ương Đảng, nhà ở và làm việc của cán bộ văn phòng Trung ương Đảng, các ban của Đảng.
Văn phòng Trung ương Đảng lúc này có khoảng 40 người, Tổng bí thư là đồng chí Trường Chinh, Chánh văn phòng là đồng chí Hoàng Tùng.
Các cuộc họp của Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương Đảng diễn ra tại hội trường Trung ương Đảng. Bác Hồ thường tới đây bàn công việc với đồng chí Trường Chinh và các đồng chí lãnh đạo khác của Đảng, quyết định nhiều vấn đề quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Tại ATK Kim Quan, Bộ Chính trị đã thông qua kế hoạch “Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954”, trong đó có hướng trọng điểm Điện Biên Phủ và Thượng Lào. Bộ Chính trị nhận định vị trí Điện Biên Phủ có ý nghĩa rất quan trọng đối với toàn cục của cuộc chiến tranh Đông Dương.
Ngày 19/4/1954, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết thấu triệt phương trâm đánh chắc, tiến chắc và đề cao quyết tâm giành toàn thắng cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đặc biệt từ ngày 15-18/7/1954, tại hội trường Văn phòng trung ương Đảng diễn ra Hội nghị Trung ương lần 6 khoá II (mở rộng), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc báo cáo “Tình hình và nhiệm vụ mới”; đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc báo cáo “Sự tiến triển của Hội nghị Giơ-ne-vơ”; đồng chí Trường Chinh báo cáo chủ đề “Hoàn thành nhiệm vụ mới”, “Đẩy mạnh công tác trước mắt”.Hội nghị đã ra nghị quyết: thay đổi nhiệm vụ chiến lược, xác định kẻ thù mới là để quốc Mĩ, xác định khả năng kết thúc chiến tranh, giành hoà bình bằng phương pháp thương lượng. Định ra khẩu hiệu chiến lược là: “hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ”.
Hội nghị Trung ương 6 đánh dấu bước ngoặt của cách mạng Việt Nam, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình và cũng là hội nghị Trung ương cuối cùng tại chiến khu Việt Bắc.
3. Hầm an toàn của Chính phủ
Hầm an toàn Chính phủ thời kỳ 1953-1954, thôn Khuôn Điển
Hầm được đào sâu vào lòng núi 40 mét. Thời kỳ Văn phòng Chính phủ làm việc tại đây, đồng chí Phạm Văn Đồng là Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phan Mỹ là Chánh văn phòng.
Từ đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Phạm Văn Đồng, cùng đoàn đại biểu Trung ương Đảng, Chính phủ ta đến trụ sở cố vấn Trung Quốc tại Nà Ho, xã Trung Sơn tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho ông La Quý Ba và ông Vi Quốc Thanh - Trưởng đoàn cố vấn quân sự, chính trị của Trung Quốc tại Việt Nam.
Đầu tháng 3/1954, Hội đồng Chính phủ tổ chức cuộc họp quan trọng bàn vấn đề đi dự Hội nghị Giơnevơ. Đoàn đại biểu chính phủ ta do đồng chí Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn, cùng đi có các đồng chí Nguyễn Thành Lê, Phan Anh, Hà Thiệu Lâu... Lúc bấy giờ, đoàn đại biểu chính phủ ta e ngại vì có thể ta lên đường đi dự hội nghị quá sớm. Khi ấy Bác đã nói với các vị đại biểu: “Các chú cứ yên tâm lên đường công tác, ở nhà Bác sẽ tặng các chú một món quà”. Đoàn đại biểu lên đường sang Thụy Sỹ chưa hiểu ra món quà Bác tặng là gì?. Ngày 8 tháng 5 năm 1954 là thời điểm hội nghị Giơnevơ khai mạc; trước đó một ngày, tức ngày 7 tháng 5 năm 1954 ta đã giành thắng lợi to lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ - Đó là món quà vô cùng to lớn, ta đã đến với hội nghị Giơnevơ trên tư thế của người chiến thắng. Hiệp định Giơnevơ được ký kết, ta vừa thắng lợi về cả mặt quân sự và ngoại giao. Kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân pháp xâm lược,
4. Nhà ở, làm việc và hầm an toàn Chủ tịch Hồ Chí Minh
Lán ở và làm việc của Bác Hồ tại Kim Quan.
Nhà ở, làm việc được làm cách hầm an toàn 10m về hướng Nam. Lán được làm theo kiểu nhà sàn, có 2 gian nhỏ, sàn trên là nơi Bác nghỉ, ở dưới là nơi làm việc và tiếp khách. Cột bằng gỗ, mái lợp bằng lá cọ, xung quanh thưng bằng vách nứa đan nong đôi. Cầu thang lên xuống có 9 bậc đặt ở đầu trái phía đông. Lán có 2 cửa ra vào, 1 cửa ở tầng dưới và 1 cửa tầng trên. Từ cầu thang có một đường xuống sông và một đường đến hầm; con đường mòn suống sông được cuốc làm nhiều bậc để lên xuống cho thuận lợi.
Cạnh lán của Bác là hầm bí mật được bộ đội công binh đào sâu vào lòng núi Nhù, cửa hầm quay theo hướng Đông, trông ra dòng sông Phó Đáy. Nơi đây, có phong cảnh thiên nhiên đẹp, dòng sông Phó Đáy quanh năm nước trong xanh uốn lượn chảy qua, nhà ở và hầm an toàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm cách bờ sông không xa, khu vực này có rất nhiều tảng đá lớn nên khi sông chảy đến đây, đổi dòng chảy theo hướng khác đã tạo thành một vực xoáy, nước sâu và rộng, nhân dân địa phương gọi là Vực Nhù.
Sau những lần chủ trì các phiên họp Bộ chính trị, Hội đồng Chính phủ, tiếp, trả lời các nhà báo trong và ngoài nước... vào các buổi chiều sau giờ làm việc Người thường đến vực Nhù ngồi trên những tảng đá bên bờ vực câu cá, trao đổi công việc với các đồng chí cán bộ Văn phòng Chủ tịch phủ. Buổi sáng, sau khi tập thể dục Người xuống Vực Nhù tắm rửa và xách nước bằng ống bương lên nhà để sinh hoạt.
( Địa điểm Di tích Vực Nhù)
Chính tại nơi này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những quyết định quan trọng về chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao; lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân giành thắng lợi trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Biên Phủ, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong thời gian ở và làm việc tại xã Kim Quan, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được nhân dân địa phương thương yêu, che chở, giúp đỡ. Thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh dựng nhà ở thôn Khuôn Điển, xã Kim Quan. Sự đoàn kết, giúp đỡ của nhân dân địa phương thể hiện lòng yêu nước, niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào sự thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. |
Ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Ngày 19/4/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp của Bộ Chính trị ra Nghị quyết "Tiếp tục thấu triệt phương châm đánh chắc, tiến chắc, đề cao quyết tâm, tích cực giành toàn thắng cho chiến dịch Điện Biên phủ".
Tại đây, tháng 4/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhà báo Ôxtrâylia W.Bơcsét. Mô tả vị trí của Điện Biên Phủ, Chủ tịch lật ngửa chiếc mũ cát trên chiếc bàn tre, đưa mấy ngón tay vòng quanh mũ, giải thích: Đây là rừng núi, nơi có lực lượng của chúng tôi. Rồi Người nắm tay lại, đấm vào lòng mũ và nói tiếp: Còn đây là quân Pháp. Họ không thoát khỏi chỗ này được!
Ngày 8/5/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc đã chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên Phủ. Người nhắc nhở quân và dân ta: "Thắng lợi tuy lớn nhưng mới bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để tranh lại độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình...."
Tháng 5/1954, tại cuộc họp Bộ Chính trị bàn về chủ trương đàm phán ở Hội nghị Giơnevơ, chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Ta kháng chiến, ta đàm phán cũng đều nhằm một mục đích giành độc lập, thống nhất thật sự cho dân tộc. Hiện nay, súng trên mặt trận bắn càng nhiều, càng trúng địch chừng nào thì trên bàn họp Giơnevơ ta lại càng thêm thế chính trị chừng ấy. Giải quyết vấn đề theo nguyên tắc có lợi cho ta và địch có thể thừa nhận, nhưng trước hết là có lợi cho ta. Giải quyết vấn đề là phải có quan điểm toàn cục. Trong Hội nghị Giơnevơ, ít nhất phải tranh thủ được thắng lợi chính trị".
Ngày 7/6/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo: Từ Biên giới đến Điện Biên Phủ, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc số 2613. Bài báo đánh giá cao những thắng lợi của quân đội ta, từ chiến thắng Biên giới (10/1950) đến chiến thắng Điện Biên Phủ. Trận thắng lợi Biên giới đã làm cho cả nước xôn xao, còn chiến dịch Điện Biên Phủ đã làm cho cả thế giới xôn xao. Cuối bài báo Người lưu ý chúng ta không được chủ quan khinh địch tiếp tục vượt qua khó khăn mới, nhiều Điện Biên Phủ mới đang chờ chúng ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ hoạch định đường lối kháng chiến, cùng với Bộ Chính trị, Trung ương Đảng trực tiếp phê duyệt kế hoạch tham gia chỉ đạo nhiều chiến dịch lớn, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, giành thắng lợi hoàn toàn.
5 . Văn phòng Tổng Bí thư Trường Chinh và nơi làm việc của cơ quan Trung ương Đảng
Nơi ở và làm việc của cơ quan Trung ương Đảng và Tổng Bí thư Trường Chinh(thời kỳ 1953-1954)
Sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, đầu tháng 4/1951, Văn phòng Tổng Bí thư và đồng chí Trường Chinh rời Kim Bình, Chiêm Hóa trở lại ATK Tân Trào ở và làm việc tại Đồng Man, thôn Tân Lập, xã Tân Trào một thời gian ngắn sau đó chuyển sang Định Hoá - Thái Nguyên.
Cuối năm 1953, Văn phòng Tổng Bí thư và đồng chí Trường Chinh cùng Văn phòng Trung ương Đảng chuyển đến ở và làm việc tại thôn Khuôn Điển, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Khi chuyển đến đây Văn phòng Tổng Bí thư thống nhất (sáp nhập) với Văn phòng Trung ương Đảng; đồng chí Hoàng Tùng làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
Tại đây, đồng chí Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam đã triệu tập và chủ trì nhiều cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị và Hội nghị Trung ương Đảng. Các hội nghị thường được tổ chức tại hội trường Văn phòng Trung ương và trước cửa hầm an toàn Trung ương Đảng. Trong thời gian từ cuối năm 1953 đến tháng 7 năm 1954, đồng chí Tổng Bí thư cùng Bộ Chính trị ra nhiều Nghị quyết và chủ trì nhiều hội nghị quan trọng, như: Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương V - Tiếp tục triển khai công tác phát động quần chúng giảm tô, giảm tức và thực hiện cải cách ruộng đất; Hội nghị cán bộ toàn quốc lần thứ nhất của Đảng Lao động Việt Nam.
Ngày 19 tháng 4 năm 1954, đồng chí Tổng Bí thư cùng Bộ Chính trị họp và quyết định tiếp tục thấu triệt phương châm đánh chắc, tiến chắc, đề cao quyết tâm, tích cực giành toàn thắng cho chiến dịch Điện Biên Phủ; quyết định tiếp tục triển khai công tác phát động quần chúng giảm tô, giảm tức và thực hiện cải cách ruộng đất (thực hiện người cày có ruộng) và Nghị quyết về “Tiếp tục thấu triệt phương châm đánh chắc, tiến chắc đề cao quyết tâm giành toàn thắng cho chiến dịch Điện Biên Phủ”. Hội nghị Trung ương VI khoá II (mở rộng) đồng chí Tổng Bí thư báo cáo về chủ đề: Hoàn thành nhiệm vụ mới và hoàn thành công tác trước mắt. Hội nghị bàn về thay đổi nhiệm vụ chiến lược là '' Hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ", ký Hiệp định Giơnevơ và đề ra những nhiệm vụ công tác lớn về quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao…
Tháng 8 năm 1954, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh cùng Trung ương Đảng, Bác Hồ và các đồng chí Bộ Chính trị rời ATK Kim Quan sang Vai Cày, Đại Từ, Thái Nguyên, sau đó về thủ đô Hà Nội.
6. Ban Tổ chức Trung ương được đóng tại thôn Khuôn Điển, xã Kim Quan từ cuối năm 1953 đến tháng 7 năm 1954
(Nơi làm việc của Ban Tổ chức Trung ương Đảng)
Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành rời thủ đô Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc xây dựng căn cứ kháng chiến. Cuối năm 1949, Ban Đảng vụ Trung ương, rời Bình Thành, Định Hóa, Thái Nguyên chuyển đến ở làm việc tại Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Đến cuối năm 1950, để chuẩn Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Ban Đảng vụ Trung ương rời Tân Trào lên Chiêm Hóa ở, làm việc.
Thi hành Nghị quyết Đại hội, đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, ngày 16/4/1951 Ban Chấp hành Trung ương (khóa II) đã ra Nghị quyết số 09/NQ/TW về thành lập các Ban và Tiểu ban của Trung ương, trong đó có Ban Tổ chức Trung ương trực thuộc Ban Thường vụ Trung ương và cử đồng chí Lê Văn Lương làm Trưởng ban cùng các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Đức Tâm, Lê Khắc, Nguyễn Chương, Trần Quý Kiên, Nguyễn Trọng Vĩnh, Trần Quang Huy trong ban lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương. Tháng 4/1951, Ban Tổ chức Trung ương rời Chiêm Hóa trở về ở, làm việc tại Tân Trào (ở tại địa điểm cũ).
Do diễn biến của cuộc kháng chiến, tháng 9/1953 Ban Tổ chức Trung ương cùng Văn phòng Trung ương Đảng chuyển đến ở và làm việc tại thôn Khuôn Điển, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Trước khi Ban Tổ chức Trung ương chuyển đến ở, làm việc, được sự chỉ đạo của cấp trên, đơn vị công binh 333 đã đến dựng nhà cho Trung ương Đảng, Chính Phủ. Khi chuyển đến đây Ban Tổ chức Trung ương ở gần Văn phòng Trung ương Đảng. Ban Tổ chức trong thời gian này, Trưởng Ban là đồng chí Lê Văn Lương Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Ban là đồng chí Nguyễn Đức Tâm, Chánh Văn phòng là đồng Vũ Đình Chi, thư ký là đồng chí Lê Huy Bảo, văn thư là đồng chí Kim, hai đồng chí Hoài An và Vũ Thơ quản lý hồ sơ, ngoài ra còn có các đồng chí Vũ Trọng Kiên, Nguyễn Thị Thảo...
Tại đây, tháng 12/1953, Ban Tổ chức Trung ương đề xuất cho Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị về việc chỉnh đốn Chi bộ nông thôn trong cuộc vận động quần chúng giảm tô. Mục đích của cuộc chỉnh đốn chi bộ hiện nay là làm cho cơ sở của Đảng trong sạch và vững mạnh để phát động quần chúng chuẩn bị điều kiện cho cuộc cải cách ruộng đất sau này, làm cho đảng viên phân biệt rõ ranh giới giữa ta và địch, giữa nông dân và địa chủ.
Những năm tháng ở và làm việc tại Kim Quan. Ban Tổ chức Trung ương cùng Văn phòng Trung ương Đảng đã tham mưu cho Bộ Chính trị lãnh đạo thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ và vấn đề cải cách ruộng đất, triển khai công tác giảm tô, giảm tức, thực hiện người cày có ruộng.
Sau thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 8 năm 1954, Ban Tổ chức Trung ương cùng các cơ quan Trung ương chuyển sang Vai Cày, Đại Từ, Thái Nguyên, tháng 10 năm 1954 về tiếp quản thủ đô Hà Nội.
7. Ban biên tập Báo Nhân dân được đóng tại thôn Khuôn Điển, xã Kim Quan thời kỳ 1953-1954
Nhà bia Di tích Báo Nhân Dân, thôn Khuôn Điển, xã Kim Quan
Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của sự nghiệp báo chí cách mạng, khởi đầu là báo Thanh niên do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra từ năm 1925. Tiếp đó là các tờ báo của Trung ương Đảng như: Tranh đấu, Dân chúng, Cờ giải phóng và Sự thật.
Để tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và chỉ đạo chuẩn bị khởi nghĩa. Ngày 10/10/1942, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương cho xuất bản tờ báo "Cờ giải phóng", do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp phụ trách. Tờ báo xuất bản bí mật, không định kỳ cho tới Cách mạng Tháng Tám năm 1945, báo mới xuất bản công khai tại Hà Nội với danh nghĩa là cơ quan tuyên truyền, cổ động của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đồng thời là một nhà báo lỗi lạc, một cây bút chính luận xuất sắc đã biên tập và viết những bài chủ yếu, thực hiện một cách sáng tạo lời dạy V.I Lê Nin. Trở thành người “tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể, tổ chức tập thể”, phong trào đấu tranh cách mạng sôi sục của quần chúng nhân dân trong Mặt trận Việt Minh, góp phần đắc lực làm nên thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa trong cả nước và sau đó ra công khai, trực tiếp tham gia xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, bảo vệ thành quả của cách mạng tháng 8 trong hoàn cảnh “Thù trong, giặc ngoài” vận nước ngàn cân treo sợi tóc.
Ngày 5/2/1945, báo Cờ giải phóng được thay thế bằng tờ Sự thật với danh nghĩa là cơ quan tuyên truyền, cổ động của Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở Đông Dương, để tránh mũi nhọn tiến công của kẻ thù, tập hợp sức mạnh toàn dân, đảng ta rút vào hoạt động bí mật. Trên thực tế báo Sự Thật vẫn là cơ quan Trung ương của Đảng do đồng chí Tổng Bí thư trực tiếp phụ trách, cùng với việc cổ vũ toàn dân xây dựng cuộc sống mới, báo đã tham gia chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, tích cực tuyên truyền đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh của đảng ta.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cơ quan Báo Sự thật di chuyển từ Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc đóng tại nhiều địa điểm như Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang.
Đầu năm 1951, cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn tổng phản công giành thắng lợi quyết định. Trước tình hình đó, Đảng ta tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II, đề ra đường lối thúc đẩy cuộc kháng chiến, đổi tên Đảng là Đảng Lao động Việt Nam và ra hoạt động công khai. Ngày 16/2/1951, Đại hội ra nghị quyết xuất bản một tờ báo, kế tục sự nghiệp báo Sự Thật lấy tên là Nhân dân, cơ quan Trung ương của Đảng”[1]. Để tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê Nin và động viên đảng viên và quần chúng nhân dân, thực hiện chính sách của Đảng, Đại hội quyết định[2], Đảng Lao động Việt Nam xuất bản tờ báo, lấy tên là Nhân dân. Báo Nhân dân ra hàng tuần, khi nào có điều kiện sẽ ra hàng ngày. Trong thời kỳ kháng chiến vì điều kiện giao thông liên lạc khó khăn, ngoài báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Việt Nam còn có hai tờ báo Đảng ở Liên khu 5, lấy tên là Nhân dân Liên khu 5 và nhân dân Nam Bộ, do Ban Chấp hành đảng bộ của hai liên khu phụ trách. Các khu, cán bộ phụ trách các ngành, các cấp uỷ có nhiệm vụ viết bài cho báo Nhân dân.
Mỗi cấp Uỷ đảng, từ cấp tỉnh trở lên cử một đồng chí cấp Uỷ viên làm thông tín viên cho tờ báo, các tỉnh đảng bộ phải đảm bảo việc phát hành đều đặn tờ báo của Đảng xuống tận chi bộ.
Nhằm thực hiện nghiêm chỉnh nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II về việc xuất bản báo Nhân dân và chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II vừa thành công rực rỡ, Trung ương Đảng mà trực tiếp là đồng chí Trường Chinh giao nhiệm vụ cho đồng chí Hoàng Tùng chuẩn bị mọi điều kiện vật chất, trang thiết bị để in và phát hành báo Nhân dân. Đồng chí Thép Mới và đồng chí Hà Xuân Trường chuẩn bị nội dung cho Báo.
Trong điều kiện ở chiến khu cơ sở vật chất còn khó khăn và thiếu thốn, nhưng với khí thế thi đua sôi nổi trong bước chuyển biến mạnh mẽ của công cuộc kháng chiến, việc chuẩn bị cho ra đời số báo Nhân dân đầu tiên đã được hoàn tất.
Ngày 11 tháng 3 năm 1951, báo Nhân Dân số 1 đã được ra đời với 8 trang khổ nhỏ, in tại Nhà máy in Việt Hưng. Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh, Báo đặt lên hàng đầu nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục đường lối, chính sách của Đảng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đem lại cho họ nhận thức đúng đắn về tình hình, nhiệm vụ mới. Báo phản ánh trọng điểm tình hình kháng chiến, các phong trào thi đua yêu nước, giết giặc lập công, tăng gia sản xuất, xây dựng hậu phương, củng cố phát triển, bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân...chủ động công tác xây dựng Đảng nhất là công tác dân vận “là công tác gốc cho mọi công tác khác”.
Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, cơ quan Báo Nhân dân chuyển từ xã Quy Kỳ, Đại Từ, Thái Nguyên đến Tân Trào, huyện Sơn Dương ở, làm việc trong khu Đồng Man, thuộc thôn Tân Lập của xã Tân Trào, gần với cơ quan Văn phòng Tổng Bí thư và Văn phòng Trung ương Đảng. Trong thời gian này cơ quan báo Nhân dân có 15 người. Đến Tân Trào được một thời gian ngắn đồng chí Hoàng Tùng đi công tác nước ngoài, đồng chí Trần Quang Huy lên thay và được cử làm Tổng Biên tập.
Ngày 20 tháng 7 năm 1951, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 26/NQ/TW để thi hành Nghị quyết của Đại hội về báo Nhân dân, Bộ Chính trị Trung ương quyết nghị 8 đồng chí sau đây vào Ban Biên tập Báo Nhân dân:
- Đồng chí Trường Chinh - Đồng chí Phạm Văn Đồng - Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Đồng chí Lê Văn Lương |
- Đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Đồng chí Trần Quang Huy - Đồng chí Hà Xuân Trường - Đồng chí Tạ Quang Đạm |
- Đồng chí Trường Chinh Chủ nhiệm, đồng chí Trần Quang Huy thư ký Ban Biên tập. Báo Nhân dân có hai bộ phận: biên tập và trị sự. Sau khi kiện toàn Ban Biên tập, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị về việc đặt lưới thông tín viên cho báo Nhân dân để tuyên truyền phổ biến kịp thời các chính sách, chủ trương của Đảng và phản ánh phong trào thi đua ở các nơi.
Thu đông năm 1951, cơ quan Báo Nhân đân chuyển từ Tân Trào lên bản Thít (Bắc Kạn).
Đến cuối năm 1953, do diễn biến của cuộc kháng chiến, toàn bộ Ban Biên tập báo Nhân dân chuyển từ Bắc Kạn đến thôn Khuôn Điển, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang ở và làm việc. Lúc này đồng chí Trần Quang Huy đi điều trị bệnh, đồng chí Vũ Tuân - Chánh Văn phòng Tổng Bí thư được cử thay đồng chí Trần Quang Huy làm Chủ nhiệm báo Nhân dân. Tại đây, Ban Biên tập có nhiệm vụ biên tập các bài viết rồi chuyển sang in tại Nhà in Việt Hưng ở Yên Lãng, Đại Từ, Thái Nguyên.
Ngày 6/10/1953, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Thông tư số 74/TTTW về việc viết bài thường xuyên cho báo Nhân dân. Hội nghị Bộ Chính trị đầu tháng 9 đã kiểm điểm về việc viết bài cho báo Nhân dân, thấy rằng trong thời gian gần đây, các đồng chí Trung ương phụ trách các ngành, các khu ít viết bài cho Báo, vì thế tờ báo của Đảng không làm tròn nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, tổ chức của nó một cách sắc bén và kịp thời.
Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tuyên truyền, giáo dục của Đảng trên mặt báo. Nội dung bài viết căn cứ vào chương trình công tác của Trung ương Đảng trong từng thời gian và căn cứ trọng tâm công tác của mỗi ngành mỗi địa phương do một đồng chí Trung ương phụ trách.
Sau Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất, Đảng Lao động Việt Nam, Quốc hội thông qua Luật cải cách ruộng đất, trên tinh thần các nghị quyết của Đảng. Tại đây Báo Nhân dân đã đăng một loạt bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, Lê Thanh Nghị, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ và nhiều đồng chí khác về việc lãnh, chỉ đạo kháng chiến, xây dựng Đảng, củng cố chính quyền cách mạng và phong trào thi đua ái quốc...
Chiến thắng Đông xuân 1953 - 1954, làm thất bại kế hoạch Na - Va, đập tan ý định xâm lược của địch, buộc chúng phải thăm dò, thương lượng với chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà, nhằm đi tới một giải pháp chính trị. Ngày 26/11/1953 Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn báo Ét - Prét Xen (Thuỵ Điển) về việc Chính phủ Pháp muốn giải quyết hoà bình cuộc xung đột ở Việt Nam, báo Nhân dân đã đăng tin này trên trang 1 số 152 ( ngày 6-10/12/1953).
Đầu năm 1954, Trung ương Đảng giao cho báo Nhân dân đưa các đồng nghiệp của Tiệp Khắc và Ba Lan thăm một số nơi ở chiến khu Việt Bắc. Đoàn nhà báo Tiệp Khắc (cũ) có E-mi Síp, Tổng biên tập báo Quyền lợi đỏ và Cu-Rôn Pra-Sếch phóng viên báo Quân đội. Đoàn Ba Lan có nhà văn Du-crốp-xki và họa sỹ Cốp-xđây. Trước chiến thắng Điện biên phủ, Liên Xô cử một đoàn quay phim 3 người do đạo diễn Các Men dẫn đầu sang Việt Nam dựng phim "Việt Nam trên đường thắng lợi". Đồng chí Thép Mới lại được giao nhiệm vụ hướng dẫn, giúp đỡ Các Men và đoàn quay phim.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, từ tháng 11/1953 đến tháng 5/1954, Ban biên tập báo Nhân dân là cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng đã cho ra 3 ngày 1 kỳ, rồi 2 ngày 1 kỳ 6 trang, nội dung của báo có nhiều cố gắng trong việc phổ biến, giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh thực tế cách mạng, hướng dẫn quần chúng tích cực xây dựng hậu phương vững mạnh, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, giết giặc lập công. Ngày 22/6/1954 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trên báo Nhân dân: “Đảng ta mạnh vì Đảng ta tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, suốt từ trên xuống dưới, về báo Đảng có nhiệm vụ làm cho tư tưởng và hành động thông suốt và thống nhất”.
Sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, hiệp định Gienéve được ký kết ngày 20/7/1954, cán bộ Ban biên tập chia thành từng nhóm nghe các đài nước ngoài để lấy tin tức và viết bài bình luận về hội nghị Gienéve. Ngoài ra, Ban biên tập còn viết nhiều bài phân tích lập trường hoà bình của Chính phủ và nhân dân ta, tố cáo thái độ ngoan cố của bọn thực dân hiếu chiến Pháp, vạch rõ âm mưu của đế quốc Mỹ can thiệp trực tiếp vào Việt Nam...
Trên tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6 mở rộng tháng 7/1954, Ban biên tập báo Nhân dân đã tập trung vào việc tuyên truyền, giải thích những đặc điểm tình hình đất nước, bước vào giai đoạn mới với nhiệm vụ trọng tâm: Đoàn kết chặt chẽ củng cố Miền Bắc, giữ vững và đẩy mạnh cuộc đấu tranh của nhân dân Miền Nam chống đế quốc Mỹ...Thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ trong cả nước.
Tại đây, Báo Nhân dân được Bác Hồ rất quan tâm, mặc dù bận trăm công ngàn việc nhưng ngày nào Bác cũng giành thời gian đọc báo rất kỹ. Bác dùng bút chì xanh, đỏ đánh dấu những chỗ đáng chú ý, Bác không những là vị lãnh đạo sâu sát mà còn là cộng tác viên đều đặn cho Báo.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, báo Nhân Dân đã làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục cho đảng viên và quần chúng nhân dân, đồng thời phản ánh trung thực về tình hình trong nước và quốc tế, góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền của Đảng và Nhà nước ta.
Cuối tháng 7 năm 1954, cơ quan Báo Nhân dân chuyển về Ký Phú, Đại Từ, Thái Nguyên và cử cán bộ đi học lớp tập huấn tiếp quản thủ đô Hà Nội do Trung ương mở. Đến đầu tháng 10 năm 1954, Ban biên tập Báo Nhân dân về tiếp quản Thủ đô và đóng ở nhà Thương Đồn Thuỷ Hà Nội.
Di tích ATK - Kim Quan đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, những quyết định có liên quan đến vận mệnh dân tộc ta. Như đã đánh giá, khu di tích ATK Kim Quan (Yên Sơn) chính là đại bản doanh được xây dựng quy mô nhất của Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ trong thời kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp tại chiến khu Việt Bắc.